Tình yêu thương là chìa khóa để chúng ta – những người làm nghề Gia sư thành công. Có một câu nói mà tôi tâm đắc nhất: “Treat people the way you wanna treated”, hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn được đối xử.
Ok, cùng bắt đầu với cái độ dày và độ sâu của mình trong nghề. Kể cả khi chưa biết đến eTeacher, mình đã làm trong “nghề” 2 năm rồi. Thế mạnh của mình là tiếng Anh nhưng thường mình chỉ dạy cấp 1 thôi. Xong cái đầu quân cho eTeacher và được hỗ trợ. Mình mạnh dạn nhận ngay 1 bé lớp 6.
Câu chuyện bắt đầu từ đây. Trước đó ở cấp 1, mấy bé dễ bảo lắm chứ không phải là độ tuổi 12 ẩm ương như thế này. Tụi nhỏ bắt đầu khám phá thế giới. Đứa thì mơ mộng. Đứa thì ham chơi theo chúng bạn. Đứa thì bất cần với câu cửa miệng “Sao cũng được”. Và bé tôi nhận thử sức là trường hợp cuối cùng luôn.
Bạn ấy là một học sinh thông minh, tiếp thu bài rất nhanh nhưng chẳng quan tâm việc học. Tôi cảm tưởng như lúc dạy là một trận chiến. Tôi phải nài nỉ mãi mới cầm bút viết vài câu bài tập. Hay cứ 5 – 10 phút là kiểm tra điện thoại, mở tik tok. Tay chân thì không bao giờ ngồi yên. Không thì bé lại hỏi, lại kể chuyện ngoài lề.
Những buổi dạy đầu, tôi thấy áp lực thật sự. Bởi khi đi dạy, tôi kì vọng khá cao vào sự tiến bộ của học sinh. Ngoài ra còn kì vọng của phụ huynh nữa. Rồi có 2 buổi, tôi đã muốn “quạo” thật ầm ĩ nhưng may sao tôi kìm lại được. Tôi phân tích rằng em đang có điều kiện tốt hơn người ta rất nhiều. Rằng bây giờ em học giỏi, có sẵn nền kiến thức. Sau này lớn lên em sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Tôi còn dọa xin đổi giáo viên và báo với công ty phản hồi với phụ huynh? Tôi hỏi em chọn cái nào. Câu trả lời cũng chỉ gói gọn 3 chữ “Sao cũng được” và rồi lại làm việc riêng.
Lúc này tôi có hai lựa chọn. Một là báo lên công ty để nói chuyện với phụ huynh. Hai là tự mình tìm giải pháp hòa nhập với bé. Một tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua trong sự im lặng của bé và sự cố gắng giảng bài của tôi. Tôi biết là bé nghe, bé hiểu, và bé tiếp thu nhanh. Nhưng … bé chỉ có cái hơi ngang và lòng tự tôn khá cao.
Đặt mình vào vị trí ngày xưa đi học, tôi không thích bị méc phụ huynh xíu nào. Thêm nữa tôn chỉ khi đi dạy của tôi là “dân chủ, thoải mái nhưng vẫn hiệu quả”. Tôi chọn cách thử cách khen khích lệ bé mỗi khi bé nắm được bài. Và tôi đã thành công với phép thử của mình. Những buổi học tôi nhẹ nhàng với bé, bé tập trung hơn một xíu, tương tác với tôi nhiều hơn khi tôi đặt câu hỏi. Rồi vô cùng vui mừng khi những bài kiểm tra bé đạt điểm cao hơn.
Và bây giờ, mỗi buổi đi dạy, tôi đều cảm thấy vui vẻ. Tôi và bé chia sẻ nhiều hơn, cảm giác như hai người bạn với nhau vậy. Có thể là khi con người ta đối xử với nhau nhẹ nhàng hơn thì mọi chuyện cũng trở nên như thế. Nếu là bạn, bạn cũng muốn được đối xử nhẹ nhàng mà phải không?
Đó là câu chuyện của chính tôi trong “nghề”. Qua câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói rằng, tình yêu thương là chìa khóa để chúng ta – những người Gia sư thành công. Có một câu nói mà tôi tâm đắc: “Treat people the way you wanna treated”, hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn được đối xử.
Ngoài ra, tôi còn có một mẹo nhỏ muốn chia sẻ với mọi người để có thể kiềm chế sự nóng giận khi dạy. Đó là mỗi khi bạn tức giận, hãy im lặng 1-2 phút để cả gia sư và học viên bình tâm lại. Trong khi đó hãy tự nhủ với mình rằng: “Hãy thông cảm cho bạn ấy, mình đã có hơn bạn ấy nhiều năm kinh nghiệm sống. Bình tĩnh lại mình mới giải quyết được vấn đề một cách thông minh hơn”. Câu chuyện của tôi là vậy đó, hi vọng kinh nghiệm của tôi sẽ giúp ích bạn thêm một chút.