Có nên cho con đi du học?

Posted by

Cho con đi du học là niềm mong ước của rất nhiều bậc phụ huynh. Nhưng làm sao để việc du học của con mang lại hiệu quả tốt nhất và không trở thành gánh nặng thì việc tìm hiểu kỹ lưỡng là vô cùng quan trọng.

Những lý do cha mẹ muốn cho con đi du học?

Có nhiều lý do khác nhau để dẫn đến phụ huynh quyết định cho con đi du học trong đó có các lý do như:

Chiều theo nguyện vọng của con

Nhiều học sinh có mơ ước được đi du học và cảm thấy bản thân có thể có đủ khả năng tự lập ở phương trời mới nên thuyết phục để cha mẹ cho phép đi. Nếu gia đình có đủ điều kiện thì việc này là một tín hiệu đáng mừng và cha mẹ thường sẽ ít phải lo lắng về con, nhất là nếu con có khả năng tự tìm học bổng.

Cho con cơ hội học tập

Việc đi du học thường phụ thuộc rất nhiều vào định hướng của phụ huynh. Nhiều gia đình muốn tạo cho con cơ hội học tập ở các nước phát triển, học hỏi những điều mới mẻ, hiện đại để con có thể có tương lai rộng mở hơn, chủ động hơn trong cuộc sống. Hy vọng có thể cải tạo con

Có những phụ huynh cho con đi du học lại vì lý do con học kém hoặc con quá bướng bỉnh. Họ muốn con mình thay đổi môi trường mới và hi vọng điều đó sẽ giúp con họ tốt hơn. Họ nghĩ rằng con mình khi phải đối mặt với khó khăn và sự nghiêm khắc của giáo dục nước ngoài sẽ dần trưởng thành, chín chắn.

Có được tấm bằng quốc tế

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, nếu cho con đi du học nước ngoài, khi trở về con sẽ có tấm bằng quốc tế và vốn ngoại ngữ tốt để dễ dàng xin việc hơn. Tuy nhiên điều này cũng không hẳn đúng, bởi không phải ai sau khi đi du học về cũng có thể làm việc tốt tại Việt Nam.

Cho con đi du học, lợi ích và nguy cơ?

Lợi ích:

Không thể phủ nhận việc học sinh được đi du học nước ngoài sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. Nếu không, chắc chắn sẽ không gia đình nào chịu chi ra một khoản tiền khổng lồ để đầu tư cho con du học.

  • Nâng cao kiến thức: Ở các nước phát triển, khoa học, văn hóa hay kinh tế đều đi trước nước ta rất nhiều. Họ có một tư duy mở về sáng tạo, không bị gò bó hay bị định hướng bởi những chủ nghĩa ép buộc.
  • Tiếp thu được những văn hóa mới: Những du học sinh đến từ các quốc gia khác nhau sẽ mang đến những màu sắc khác nhau, giúp học sinh có thể biết thêm về nhiều nền văn hóa. Trong nhà trường, học sinh cũng được tiếp cận với cách giáo dục mới, được tiếp thu những kiến thức mới mẻ so với giáo dục trong nước.
  • Cải thiện trình độ ngoại ngữ: Khi đi du học, học sinh cần có ý thức hơn trong việc học ngoại ngữ. Hơn nữa, được sống trong môi trường nói tiếng bản địa học sinh sẽ có thể tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên và nhanh chóng.
  • Học cách tự lập: Bất cứ học sinh nào khi đi du học, dù gia đình có điều kiện hay không cũng đều cần tự lập hơn trong cuộc sống của mình.
  • Suy nghĩ thấu đáo và chín chắn hơn: Khi được va vấp nhiều hơn trong cuộc sống, mỗi người đều sẽ có suy nghĩ chín chắn hơn. Mỗi du học sinh đều phải tự mình trải qua những khó khăn và tìm cách vượt qua những khó khăn ấy. Dần dần, các em sẽ trở nên chủ động và tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
  • Cải thiện kỹ năng, giao tiếp xã hội: Trong các trường học nước ngoài, học sinh không chỉ được dạy văn hóa mà còn rất được coi trọng về mặt kỹ năng để tồn tại và phát triển trong xã hội. Đây là vấn đề cần thiết trong cuộc sống hiện đại ngày này.

Nguy cơ:

Lợi ích của việc du học ai cũng biết, nhưng liệu cha mẹ và du học sinh đã lường hết những nguy cơ của việc du học nếu không chuẩn bị kỹ. Những tình huống mà rất nhiều trường hợp đã gặp phải như:

  • Học phí và sinh hoạt phí quá lớn với gia đình khiến du học sinh gặp khó khăn, có khi phải tự bươn chải.
  • Học sinh không có sự quản lý của cha mẹ nên lơ là việc học hành.
  • Học sinh quá mải kiếm tiền mà quên mất nhiệm vụ chính.
  • Công việc làm thêm bị bóc lột sức lao động, giá thuê rẻ mạt.
  • Bạn có thể là nạn nhân của phân biệt chủng tộc hoặc chủ nghĩa cực đoan.

Khi nào nên cho con đi du học

Để việc đi du học được thuận lợi, cả cha mẹ và học sinh cần phải có sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và lường được những trường hợp xấu để có phương án phòng tránh. Nhiều cha mẹ không chuẩn bị kỹ càng điều này dẫn đến tình trạng đem con bỏ chợ, khiến những du học sinh cảm thấy lạc lõng nơi đất khách quê người.

Độ tuổi nên đi du học

Đừng nên cho con đi du học quá sớm. Độ tuổi từ 14 tuổi trở nên sẽ là khá lý tưởng. Ở độ tuổi này, các em còn nhạy cảm với cái mới, ham khám phá nên dễ tiếp thu và hòa nhập với cuộc sống. Lứa tuổi này cũng khá chín chắn trong suy nghĩ, có thể tự mình sắp xếp được cuộc sống của mình.

Trang bị đủ ngoại ngữ

Du bạn có học lực như thế nào thì việc trang bị ngoại ngữ cũng vô cùng quan trọng. Nó không chỉ quyết định đến việc bạn sẽ học tập ở môi trường mới như thế nào mà còn là điều kiện để bạn có thể giao lưu, tồn tại ở một đất nước mới.

Có thể chịu áp lực và sống tự lập

Nếu bạn còn quá dựa dẫm vào cha mẹ, vốn đã được bao bọc kỹ càng và chưa sẵn sàng với cuộc sống tự lập thì việc du học nên hoãn lại. Nếu không thể chịu được áp lực và tự làm chủ cuộc sống của mình, không thể tự đương đầu với khó khăn thì việc tồn tại khi đi du học sẽ vô cùng khó khăn.

Cha mẹ chuẩn bị đủ tài chính

Việc du học cần rất nhiều tiền bạc, nếu phụ huynh chỉ đơn giản nghĩ rằng cứ chuẩn bị tiền cho con sang đến nước bạn, còn số tiền còn lại con có thể vừa làm thêm vừa học cũng đủ trang trải thì quá sai lầm. Chi phí luôn có những phát sinh, trong khi đó, không phải du học sinh nào đi du học cũng có thể vừa học, vừa làm. Cha mẹ đừng cố cho con đi du học nếu gia đình có gánh nặng tài chính quá lớn.

Trong thời đại mới, việc hội nhập với thế giới là điều cần thiết và cho con đi du học là sự đầu tư giáo dục đúng đắn của các bậc cha mẹ. Dù việc đi du học cũng có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu được chuẩn bị tốt, chắc chắn học sinh và phụ huynh sẽ sớm gặt hái được những trái ngọt trong tương lai.