Ai cũng mong muốn cho con mình có được một cuộc sống đầy đủ, vui vẻ, hạnh phúc. Muốn con mình được bằng bạn bằng bè, thậm chí hơn người. Tuy nhiên, thay vì xây dựng cho con tính tự lập, thì vô tình, cha mẹ lại có thể đang khiến con trở lên lệ thuộc, ỷ lại vào cha mẹ.
Những sai lầm thường gặp
Cha mẹ thường xót con, vậy nên đôi khi chăm sóc và chiều con một cách quá mức. Đôi khi, chính những điều ấy lại trở thành hại con, khiến con trở thành những đứa trẻ bướng bỉnh, không nghe lời, tự cao tự đại. Không những thế, con bạn sẽ luôn ỷ nại, không thể tự lập, chủ động trong cuộc sống.
- Con đòi gì được nấy: Đây là tình trạng khá phổ biến của các bậc cha mẹ. Không chỉ gia đình có điều kiện, ngay cả những gia đình bình thường cũng rất chiều con. Khi con đòi thứ gì đều đáp ứng như quần áo, đồ chơi, điện thoại,… mà không hề có sự định hướng cho con có cần mua hay không.
- Mua cho con những đồ dùng tốt nhất: Cha mẹ thường sợ con thua thiệt hoặc nhiều gia đình cũng muốn thể hiện, mua cho con những đồ dùng đắt tiền mà không hề tiếc. Điều này lãng phí và còn hình thành ở trẻ thói xài đồ sang, trở nên coi thường, phân biệt với bạn bè không cùng đẳng cấp với mình.
- Dung túng hành động sai của con: Thông thường, nếu con làm sai, cha mẹ phải nhắc nhở. Vậy nhưng nhiều cha mẹ thấy con làm sai cũng chỉ cười cho qua. Con nói bậy – không nhắc nhở, con đánh bạn – không phạt,… Dần dần trẻ sinh ra tự mãn nghĩ mình làm cái gì cũng đúng, không còn tôn trọng người khác.
- Làm hộ con mọi việc: Ở thành thị, nhiều cô cậu bé đến lớp 1 lớp 2 không thể tự thay quần áo, không biết cầm chổi quét nhà,… lúc nào cũng chỉ chờ cha mẹ hoặc người giúp việc mang đồ đến, làm cho mọi việc. Điều này khiến trẻ trở nên ỷ nại, thụ động.
- Không nghiêm khắc với con: Đôi khi cha mẹ quá bận bịu, do đó thường nghĩ rằng bù đắp cho con bằng những điều tốt khác như: cho con được chơi điện thoải mái, cho con tiền tiêu vặt hàng ngày,… mà không có sự giám sát, nhắc nhở. Chính vì vậy, khi xảy ra vấn đề gì đó, cha mẹ thường thụ động và không ngờ tới.
- Nhờ quan hệ để giúp đỡ con: Nhiều gia đình có mối quan hệ rộng, thường xuyên nhờ vả để giúp đỡ con như: xin nâng điểm, xin qua môn, xin đánh giá tốt, xin vào trường tốt,… mà không biết rằng chính mình đã khiến con không còn động lực phấn đấu. Trẻ sẽ nghĩ rằng mình luôn có người giúp đỡ, chống lưng nên không cần phải học tập hay cố gắng gì.
Giúp con tự lập hơn
Một số quan điểm sau đây sẽ giúp bạn xây dựng tính tự lập cho con. Khi con đã có tư duy về tính tự lập, con sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, thành công trong cuộc sống sau này cũng sẽ cao hơn.
Thứ nhất:
Khi con đã biết đi, nếu con ngã, hãy để con tự đứng dậy, cha mẹ ông bà không xúm lại đỡ con lên. Hãy bơ con đi hoặc nói với con một cách dứt khoát “đứng dậy đi con”. Nếu con ăn vạ, hãy thờ ơ.
Thứ 2:
Khi đi qua hàng một cửa hàng nào đó, nếu con đòi mua, khóc lóc mếu máo, hãy để con đứng, ngồi đó khóc đến khi chán thì thôi. Nghiêm túc nói với con rằng đồ này mẹ không thể mua cho con và im lặng, không nói gì thêm.
Thứ 3:
Ăn uống của con là tự nguyện, không cần phải nhồi nhét con ăn món này món kia hay gạ gẫm con ăn bằng cách trao đổi. Đến bữa cơm, dọn cơm và bảo con ăn, nếu mời quá 3 lần không ăn hoặc ăn quá 20 phút, lập tức dọn dẹp.
Thứ 4:
Dạy con nếu muốn đạt được thứ gì, phải học cách lao động hoặc đánh đổi. Ví dụ, con muốn mua món đồ nào đó, tùy vào giá trị mà con phải rửa bát/ hoặc quét nhà trong thời gian nhất định, kiếm đủ điểm tốt theo yêu cầu.
Thứ 5:
Luôn phải hoàn thành việc mẹ phân công. Cha mẹ có thể giao việc tùy vao độ tuổi của con, yêu cầu con hoàn thành. Nếu con làm chống đối, phải có hình phạt, không làm hộ con.
Thứ 6:
Việc học là trách nhiệm của bản thân, phải tự mình cố gắng. Cha mẹ không xin xỏ nhờ vả cho con. Phải dạy cho con thấy muốn có cuộc sống tốt, phải tự nỗ lực. Cha mẹ tạo điều kiện cho con học tập phấn đấu để có công việc tốt chứ không để sẵn của cải cho con hưởng thụ.
Lời kết
Có thể nói việc nuôi dạy con cũng giống như là một nghệ thuật vậy. Không phải chúng ta nuông chiều con là sẽ tốt cho con. Nhưng đồng thời cũng không nên cứng nhắc quá. Hãy nhớ rằng, mục đích là tạo tính tự lập cho con, chứ đừng gò bó khiến con đánh mất tuổi thơ.